Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư phát triển Thủy lợi Hà Nội: Triển khai các giải pháp ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp vụ Mùa năm 2023
Để chủ động tổ chức thực hiện các giải pháp ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước và giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp theo các nội dung chỉ đạo tại Công văn số 1447/SNN-TLPCTT ngày 25/5/2023 của sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Hà Nội về tổ chức các giải pháp ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công điện số 397/CĐ-TTg ngày 03/5/2023 và Công văn số 1384/SNN-TLPCTT ngày 19/5/2023 về ứng phó với hạn hán phục vụ sản xuất đầu vụ Mùa 2023 và vụ Đông Xuân 2023-2024. Từ ngày 01/6/2023 đến ngày 08/6/2023, đoàn kiểm tra công tác phòng chống thiên tai Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư phát triển Thủy lợi Hà Nội do đồng chí Lê Thị Thanh Phương - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng giám đốc Công ty làm trưởng đoàn cùng các đồng chí lãnh đạo và cán bộ chuyên môn các phòng Quản lý nước & Công trình thủy lợi, Kế hoạch kỹ thuật & Cơ điện đã trực tiếp làm việc, kiểm tra tại các Xí nghiệp Thủy lợi: Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn, Gia Lâm và Xí nghiệp Cung cấp nước thô & Tư vấn xây dựng trực thuộc Công ty. Thành phần làm việc tại các Xí nghiệp gồm: Ban Giám đốc, Tổ trưởng các tổ chuyên môn và các Cụm trưởng Cụm thủy nông.
Nội dung làm việc của đoàn: Rà soát và tổ chức thực hiện phương án chống úng, chống hạn năm 2023 đồng thời đánh giá các nguồn cung cấp nước đặc biệt là việc thực hiện các giải pháp ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu hụt nguồn nước phục cho vụ sản xuất nông nghiệp năm 2023 trên địa bàn các huyện: Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn, Gia Lâm và quận Long Biên.
Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư phát triển Thủy lợi Hà Nội đang quản lý và vận hành 85 trạm bơm tưới lớn nhỏ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp vụ Mùa năm 2023 là 25.510ha, 08 hồ chứa nước phục vụ tưới cho 1.075ha, tưới từ Hồ Đại Lải do tỉnh Vĩnh phúc quản lý là 421ha. Các nguồn nước tưới trên địa bàn Công ty phục vụ chủ yếu lấy từ Sông Hồng, Sông Đuống, Sông Cà Lồ, Sông Cầu, Sông Ngũ Huyện Khê, các sông nội địa, các kênh tiêu trên địa bàn và 08 hồ chứa thuộc Công ty quản lý trên địa bàn huyện Sóc Sơn.
Thời gian qua, thời tiết trên địa bàn Thành phố Hà Nội xuất hiện nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ ngoài trời ở mức cao. Bên cạnh đó tổng lượng mưa phổ biến ở Hà Nội nói chung và khu vực phía Bắc Sông Hồng nói riêng thấp hơn nhiều so với trung bình các năm trước. Theo đó nguồn nước bổ sung đến các hồ chứa do Công ty quản lý trên địa bàn Huyện Sóc Sơn và các sông suối thượng lưu của hệ thống sông Hồng, sông Đuống… bị thiếu hụt so với trung bình từ 20% đến 40%. Tính đến cuối tháng 5 trữ lượng nước tại 6/8 hồ chứa do Công ty quản lý chỉ còn từ 7,3% đến 43% dung tích thiết kế, thấp hơn hoặc xấp xỉ mực nước chết. Nguy cơ xảy ra hạn hán và thiếu nước nghiêm trọng cho sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới là hiện hữu



Cao độ mực nước tại Hồ Kèo Cà (huyện Sóc Sơn) ngày 15/6/2023 không còn khả năng cấp nước

Mực nước tại Hồ Ban Tiện (huyện Sóc Sơn)
Thời điểm hiện nay mực nước trên các Sông lớn (Sông Hồng, Sông Đuống) tuy thấp hơn so với nhiều năm nhưng vẫn cơ bản đáp ứng được cho các trạm bơm tưới hoạt động phục vụ sản xuất do Công ty sử dụng tổng hợp các biện pháp công trình, tổ chức nạo vét kênh dẫn vào trạm bơm, nối dài ống hút trạm bơm và thực hiện các giải pháp vận hành, điều tiết nước phù hợp… Tuy nhiên nguồn nước tại một số tuyến sông nội địa và kênh tiêu đang thiếu hụt nhiều so với mọi năm như Sông Đào, Sông Long Tửu (Đông Anh, Gia Lâm), Sông Cà Lồ cụt (Mê Linh)… do đó một số trạm bơm lấy nước tưới từ nguồn này vận hành bị hạn chế.


Sông Cà Lồ cụt (Mê Linh) không còn khả năng cấp nước

Nạo vét bùn và vớt bèo rác để lấy nước từ sông Long Tửu vào bể hút Trạm bơm Liên Đàm (huyện Gia Lâm)

Mực nước trên kênh dẫn từ Sông Hồng vào Trạm bơm đầu mối Thanh Điềm (huyện Mê Linh)

Mực nước trên kênh dẫn từ Sông Hồng vào khu đầu mối Ấp Bắc (huyện Đông Anh)

Mực nước tại bể hút Trạm bơm dã chiến Ấp Bắc trên Sông Hồng (huyện Đông Anh)
Trước tình hình trên, để ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp từ nay đến cuối năm 2023, trước mắt là vụ Mùa năm 2023, Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư phát triển Thủy lợi Hà Nội đã chủ động đưa ra các giải pháp chủ yếu như sau:
1. Chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, thường xuyên cập nhật mực nước tại các hồ chứa và các sông để có tổ chức vận hành các trạm bơm lấy nước kịp thời; Chuẩn bị sẵn sàng lắp đặt trạm bơm dã chiến, nối dài ống hút, nạo vét bể hút các trạm bơm khi cần thiết; tổ chức vận hành bơm tăng cường tại các trạm bơm ven Sông Hồng, Sông Đuống để tiếp nguồn cho các Sông nội địa và hệ thống kênh tiêu; tăng cường công tác duy tu, duy trì, nạo vét khơi thông dòng chảy và bảo vệ công trình thủy lợi theo Quyết định số 38/QĐ-UBND ngày 27/10/2022 của UBND thành phố Hà Nội; đẩy nhanh tiến độ công tác sửa chữa công trình kịp thời phục vụ sản xuất.
2. Tuyên truyền vận động nhân dân sử dụng nước tưới tiết kiệm, hiệu quả. Quản lý chặt chẽ nguồn nước, không để rò rỉ, thất thoát gây lãng phí nước. Ngoài ra, căn cứ vào thời vụ sản xuất, nhu cầu dùng nước đối với từng loại cây trồng để ưu tiên đáp ứng nhu cầu nước vào các thời kỳ nhạy cảm về nước của cây trồng, đặc biệt với cây ăn quả, cây trồng có giá trị kinh tế cao. Phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng lịch bơm nước và điều hành lấy nước hợp lý, khoa học đối với từng tuyến kênh, từng khu vực.
3. Phối hợp với UBND các quận, huyện kiểm tra và đề xuất cụ thể các vị trí cần nạo vét, khơi thông bằng các nguồn hỗ trợ khác trong điều kiện nguồn kinh phí của Công ty còn hạn chế; phối hợp với Công ty điện lực trên địa bàn các quận, huyện thông tin trước về lịch cắt điện để chủ động trong công tác điều hành hệ thống tưới, tiêu.
4. Khảo sát và đưa ra giải pháp cấp nước giữa các hồ, trạm bơm, các hệ thống kênh để xây dựng phương án ứng phó với tình trạng thiếu hụt nguồn nước cụ thể đến từng công trình. Chuẩn bị phương án lắp máy bơm dã chiến sẵn sàng vận hành để tận dụng nguồn nước trong các hồ trong thời gian trước mắt.
5. Rà soát, xây dựng phương án ứng phó với tình trạng thiếu hụt nguồn nước cho từng Xí nghiệp và của Công ty chi tiết đến từng hệ thống phù hợp với thực tiễn và báo cáo UBND Thành phố, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội, đồng thời gửi UBND các quận, huyện để phối hợp thực hiện hiệu quả.
6. Cân đối các nguồn kinh phí để ưu tiên đầu tư cho công tác điều tiết nước nhằm tiết kiệm điện năng và kinh phí, khắc phục các sự cố công trình và chuẩn bị vật tư để cung cấp kịp thời khi có sự cố xảy ra.
7. Tổng hợp, theo dõi, tính toán hiệu quả của các giải pháp, sáng kiến do các đơn vị đề xuất để tổ chức thực hiện phục vụ công tác điều hành hệ thống tưới, tiêu nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn nước.
Do tác động của biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp, nắng nóng, hạn hán đã và đang ảnh hưởng lớn đến mọi mặt trong đó có sản xuất nông nghiệp. Để giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra, cùng với sự vào cuộc của các ngành, cơ quan chức năng, mỗi tổ chức, người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc sử dụng tiết kiệm điện, nước và có biện pháp chủ động ứng phó trong sản xuất, từ đó góp phần ổn định cho sản xuất nông nghiệp trong điều kiện hiện nay.
Tổ truyền thông
- Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư phát triển Thủy lợi Hà Nội: Tổ chức các hoạt động ý nghĩa chào mừng kỷ niệm 94 năm thành lập Hội LHPN Việt Nam (20/10/1930-20/10/2024), Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 và ngày Quốc tế trẻ em gái 11/10
- Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển Thủy lợi Hà Nội phối hợp với Công ty TNHH Hệ thống điện và Tự động hóa Việt Nam (VasCo) tổ chức Hội nghị tập huấn chuyên sâu về công tác duy tu, duy trì, bảo dưỡng phần thiết bị cơ khí, cơ điện trong hoạt động khai thác công trình Thủy lợi
- Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư phát triển Thủy lợi Hà Nội: Tổ chức thành công Hội nghị Người lao động năm 2024